Đức Tin Công Giáo


@ Hoà hợp vợ chồng : Giải quyết những xung đột.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng, êm ả. Có những lúc trời quang mây tạnh, nhưng cũng có những lúc bão táp mưa sa. Cuộc sống gia đình cũng vậy. Có những lúc êm ấm hạnh phúc, nhưng cũng có những lúc bất hoà, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Dù vợ chồng có yêu nhau thắm thiết, thì nhiều lúc vẫn xảy ra những bất hoà. Những bất hoà đó có thể làm cho tình yêu bị sói mòn và có thể đưa đến những đổ vỡ tai hại. Tuy nhiên, nếu biết cách giải quyết, chúng sẽ là cơ hội giúp hai vợ chồng hiểu nhau hơn và tình yêu mỗi ngày một thêm triển nở.

1. Những nguyên nhân gây xung đột
Những xung đột giữa vợ chồng xảy ra thường là do:
– Sự khác biệt về tâm sinh lý giữa nam – nữ. 
– Sự khác biệt về cá tính của mỗi người: Người thì nhanh nhẹn và tháo vát, người thì chậm chạp và ù lì.
– Sự khác biệt về cách nhận thức, về quan điểm, về sở thích đối với các vấn đề trong cuộc sống, nhất là về bậc thang giá trị: Người thì coi trọng tình nghĩa, người thì đặt nặng vật chất.
– Sự khác biệt về nền giáo dục mà mỗi người đã nhận được, nhất là nền giáo dục trong gia đình.
– Những trục trặc trong đời sống chăn gối.
– Những lầm lỗi: Ngoài những nét đáng yêu, ai cũng có những yếu đuối, lỡ lầm và cả những thói hư tật xấu.
– Thiếu tổ chức trong gia đình: thiếu phân công, thiếu chia sẻ, thiếu quan tâm đến nhau, thiếu trật tự.
– Bất đồng trong việc quản lý và chi tiêu: Người thì tiết kiệm dè xẻn, người thì hoang phí đua đòi.
– Bất đồng về giáo dục con cái: Người thì quá nghiêm khắc, người thì quá chiều chuộng.
– Bất đồng trong cách cư xử với họ hàng hai bên: bên trọng bên khinh!
Những xung đột trên có thể dẫn đến nhiều hậu quả tai hại:
– Về tâm lý tình cảm: làm mất hạnh phúc trong gia đình, tình yêu bị sứt mẻ, vợ chồng lạnh nhạt với nhau.
– Về đạo đức: dễ rơi vào những tệ nạn xã hội, ngoại tình, mất phẩm chất con người.
– Về gia đình: lơ là chăm sóc, giáo dục con cái; tình nghĩa vợ chồng bị sứt mẻ, đưa đến ly thân, ly dị, gia đình tan vỡ…
2. Những nguyên tắc giúp giải quyết xung đột trong gia đình
2.1. Biện pháp ngăn ngừa:
– Trước khi kết hôn, đôi bạn cần tìm hiểu nhau kỹ lưỡng để tránh những ảo tưởng về nhau. Mặt khác, hôn nhân cần có tình yêu thực sự, đừng biến hôn nhân thành một cuộc mua bán, đổi chác.
– Đôi bạn cần học hỏi, trang bị những kiến thức nuôi dưỡng tình yêu và bàn hỏi với những người khôn ngoan có kinh nghiệm, để biết cách sống hoà hợp và giải quyết những bất hoà trong gia đình.
– Đôi bạn cần sửa đổi những thói hư tật xấu và cố gắng mỗi ngày một nên hoàn thiện hơn.
2.2. Khi xảy ra xung đột:
+Thái độ của mỗi người:
– Tự chủ: Kìm hãm tính nóng nảy và tự ái. Tránh phản ứng vội vàng, làm cho tình hình thêm căng thẳng.
– Có thiện chí muốn giải quyết:
Vợ chồng tranh cãi là nhằm tìm ra điều tốt hơn để đi đến chỗ hợp nhất, chứ không phải để ăn thua nhau hoặc để hạ nhục nhau, đi đến chia rẽ xa cách nhau. Trong cuộc tranh cãi, đừng vì tự ái mà trở nên cố chấp khư khư bảo vệ sai lầm của mình.
+ Phương cách giải quyết:
– Đối thoại:
. Biết trình bày và lắng nghe nhau. Đừng bắt người khác phải tuyệt đối tuân theo ý riêng của mình, nhưng biết lắng nghe và tìm hiểu ý kiến, quan điểm của người kia.
. Nhắm mục tiêu chính: Giới hạn chuyện nào vào chuyện đó, không nhắc lại chuyện cũ, không “bới lông tìm vết”.
– Chấp nhận khuyết điểm của mình: Can đảm nhận ra những lỗi lầm, sai phạm của mình để cố gắng sửa đổi.
– Hàn gắn, làm lành: Sau khi tranh cãi, xung đột với nhau, vợ chồng cần tìm cách làm hòa ngay. Đừng để bầu khí lạnh lùng hờn giận kéo dài, chỉ gây thêm đau khổ cho mọi người và cho chính mình.
– Nhờ trung gian hoà giải. Cần chọn người có uy tín, biết phân xử hợp tình hợp lý, hiểu cả hai bên để đưa ra lời khuyên bảo chân tình giúp hai người chấm dứt mâu thuẫn.
– Cầu nguyện. Nếu hai vợ chồng biết cầu nguyện chung với nhau, chắc chắn họ sẽ có được sự bình tĩnh để ngồi thảo luận ôn hoà với nhau, đồng thời sẽ dễ nhận ra được ý muốn của Chúa đối với vấn đề đang tranh cãi.
Giải quyết những xung đột trong gia đình là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng và thiện chí của cả hai. Nếu khi mới bước vào cuộc sống hôn nhân và gia đình, hai vợ chồng tập thói quen ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề nho nhỏ thì sau này sẽ có nhiều kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề to lớn hơn. Những dịp như thế sẽ giúp hai vợ chồng hiểu nhau hơn, đồng thời cũng giúp mỗi người gọt giũa cái “tôi” nhiều tự ái và vị kỷ, hầu cuộc sống gia đình được hài hòa, êm ấm và hạnh phúc.
 GHI NHỚ :
1. H. Vợ chồng cần có thái độ nào khi xảy ra xung đột?
T. Vợ chồng cần giữ những nguyên tắc này :
– Một là tự chủ.
– Hai là có thiện chí muốn giải quyết.
– Ba là đối thoại với nhau.
– Bốn là chấp nhận khuyết điểm của mình.
– Năm là cố gắng hàn gắn và làm lành.
– Sáu là nhờ người làm trung gian hoà giải.
– Bảy là cầu nguyện để biết cách giải quyết theo tinh thần của Chúa.
 SUY NGHĨ:
1. Khi xảy ra những bất đồng trong gia đình, trước tiên anh chị sẽ có thái độ nào? Ai trong anh chị sẽ là người đi bước trước để ngồi lại với nhau?
2. Khi xảy ra xung đột, anh chị sẽ đến với ai để nhờ làm trung gian hoà giải? Trung gian đó phải là người như thế nào?
3. Việc cầu nguyện đem lại gì cho tình yêu của anh chị? Anh chị có kinh nghiệm gì về việc cầu nguyện khi gặp những chuyện trục trặc với nhau?

1. H. Cầu nguyện là gì?
T. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để thờ laỵ, cảm tạ, xin Ngài tha thứ mọi tội lỗi và ban cho ta các ơn lành hồn xác.

2. H. Tại sao ta phải cầu nguyện?
T. Ta phải cầu nguyện vì Chúa Giêsu đã truyền dạy, hơn nữa, đời sống thiêng liêng cần được nuôi dưỡng và phát triển bằng sự cầu nguyện.

3. H. Có mấy hình thức cầu nguyện trong gia đình?
T. Có hai hình thức :
– Một là cầu nguyện chung.
– Hai là cầu nguyện riêng.

4. H. Ta phải có tâm tình nào khi cầu nguyện?
T. Khi cầu nguyện ta phải có tâm tình khiêm nhường và thống hối.

5. H. Vì sao việc cầu nguyện chung trong gia đình là quan trọng?
T. Việc cầu nguyện trong gia đình là quan trọng, vì nó giúp ta kết hiệp với Chúa và với nhau, tạo cho gia đình một bầu khí yêu thương và thánh thiện, giúp chuẩn bị việc cử hành phụng vụ ở nhà thờ và kéo dài phụng vụ ấy ngay trong gia đình.

6. H. Việc cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng liên quan với nhau thế nào?
T. Việc cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng nâng đỡ và bổ túc cho nhau. Nhờ cầu nguyện chung, ta sẽ quen cầu nguyện riêng, đồng thời nếu mọi người trong gia đình năng cầu nguyện riêng, thì giờ kinh chung sẽ càng tốt đẹp.

7. H. Mỗi giờ kinh chung trong gia đình thường gồm mấy yếu tố?
T. Mỗi giờ kinh chung trong gia đình thường gồm năm yếu tố này :
– Một là Lời Chúa
– Hai là lời ca.
– Ba là lời kinh.
– Bốn là lời cầu.
– Năm là sự thinh lặng.

#ĐIỆN THỌAI &….KINH THÁNH

Xin gửi chút lượm lặt dưới đây đến các bạn, đặc biệt bạn nào thích nghiên cứu Kinh Thánh.

CÁC SỐ ĐIỆN THOẠI KHẨN CẤP

Hôn Nhân và Gia Đình

—–****—-

Những số này cần thiết hơn số: 911

1- Khi bạn xao xuyến, lo âu, gọi số…….……….Gioan 14

2- Khi bạn phạm tội, goị số……………………Th.vịnh 51

3- Bạn gặp nguy hiểm, gọi số…………………Th.vịnh 91

4- Mọi người thất vọng, gọi số………………..Th.vịnh 27

5- Cảm thấy Chúa ở xa bạn, goị số…………..Th.vịnh 139

6- Đức Tin bạn cần khuyến khích……………..Do thái 11

7- Khi bạn cô đơn và sợ sệt…..………………..Th.vịnh 23

8- Khi bạn thiếu tin tưởng…………………. Mat 8, 23-27

9- Khi bị xúc phạm và chỉ trích………………….1 Cor 13

10- Bị giao động về Đạo Chúa(Tín lý)………2 Cor 5,15-18

11- Khi bạn cảm thấy bị ruồng bỏ……………Rom 8,31-39

12- Bạn đang đi tìm Bình an…………………Mat 11,25-30

13- Cảm thấy thế giới này hơn Chúa……………Th.vịnh 90

14- Bạn cần Chúa Kitô như là Bảo hiểm………Rom 8,1-30

15- Khi bạn đi nghỉ ngơi vài ngày, gọi số ….. Th.vịnh 121

16- Khi bạn cầu nguyện cho chính mình………..Th.vịnh 87

17- Khi cần sự can đảm cho bổn phận…………..Gio-suê 1

18- Khi bạn quyết từ bỏ để theo Chúa……… Mc 10, 17-31

19- Khi bạn chán nản, thất vọng, gọi số…………Th.vịnh 27

20- Khi tiền gởi ngân hàng bị hết, gọi số……….Th.vịnh 37

21- Thấy mọi người không mến mình………….. Gioan 15

22- Bạn đang mất hy vọng, gọi số……………..Th.vịnh 126

23- Bạn thấy thế giới nhỏ bé đối với bạn……… Th.vịnh 19

24- Bạn muốn có hoa trái Thánh Thần……… Galát 5,18-24

25- Bạn muốn đổi mới theo hình ảnh Chúa…….Col 3, 9-10

26- Khi bị bệnh bạn cần cầu nguyện………….2 Vua 20,1-6

27- Bạn muốn sống hòa hợp , cần gọi số..… Rom 12, 3-8

28- Khi vui hoặc buồn bạn cần goị số…..…..1 Tx 5,16-18

29- Khi bị cám dỗ bạn cần gọi số…………1 Phêrô 5, 8 -9

30- Khi bị thiếu thốn về ăn mặc, gọi số……. Mat 6, 25-34

31- Khi không biết cầu nguyện, gọi số……….. Mat 6, 5-6

32- Khi sự chết xảy đến, gọi số………… Gioan 11,23-26

33- Khi cha mẹ thiếu tác phong, gọi số………1 Tm 3, 3-4

34- Khi ham mê cuả cải, gọi số……………Mat 19, 21- 24

35- Khi vợ chồng bất hòa, lủng củng……… Col 3, 18-19

36- Khi lười biếng làm việc, gọi số………..Ch.ngôn 6,6-11

37- Khi muốn ly dị ly thân, gọi số…………….Mat 19, 4-6

38- Khi nóng giận, gọi ngay số………… Giacôbê 1, 19-20

39- Khi bị uy hiếp, hành hạ, goị số…………Mat 10, 26-28

40- Giữ điều răn thứ sáu, xin gọi…………… Mat 5, 27-30

41- Khi không tự chủ được, gọi số…………. Titô 2, 2-3

42- Khi khó tha thứ cho nhau, gọi số……….Mat 18, 21-22

1* TẤT CẢ CÁC SỐ TRÊN CÓ THỂ GỌI TRỰC TIẾP, KHÔNG CẦN TỔNG ĐÀI GIÚP.

2*-TẤT CẢ CÁC ĐƯƠNG GIÂY LÊN THIÊN ĐÀNG ĐỀU PHỤC VỤ 24 GIỜ MỘT NGÀY ĐỂ NUÔI DƯỠNG LÒNG TIN CỦA BẠN !

Chúc bạn tìm được điều mình muốn qua Thánh Kinh.

@ THIÊN ĐÀNG ĐỊA NGỤC?

Khi nói đến Thiên đàng Địa ngục, nhiều người cho là chuyện viển vông, mơ hồ, lãng mạn… thậm chí có người cho là mê tín dị đoan. Nhưng trong thực tế vẫn có người tin, có người sống với niềm tin ấy đến nỗi dám hy sinh mạng sống mình để bảo vệ niềm tin đó, và để chiếm hữu được Thiên đàng.
Chúng ta nhớ tới trò chơi xa xưa của trẻ con Việt nam kèm với lời đồng dao :
                                                              Thiên đàng địa ngục hai quê
                                                              Ai khôn thì về, ai dại thì sa.
                                                              Đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha
                                                              Đọc kinh cầu nguyện, kẻo sa linh hồn.
                                                              Linh hồn phải giữ linh hồn
                                                              Đến khi mình chết được lên thiên đàng.
Qua ý nghĩa bài đồng dao này chúng ta đoán được xuất xứ của nó là các trò chơi xuất phát từ các làng Công giáo. Câu thứ hai, có nơi nói khác đi một chút : thay vì “Ai khôn thì về, ai dại thì sa” lại đọc là “Ai khôn thì lại, ai dại thì qua”. Theo đó thì “Ai khôn thì lại” : lại là đến, đến thiên đàng. “Ai dại thì qua” : Qua là tới, tới địa ngục.
Chúa Giêsu nói rất nhiều tới Thiên đàng, nhưng Ngài dùng những từ khác để nói về Thiên đàng, chỉ có một lần Ngài nói rõ ràng với người trộm lành :”Ngay hôm nay, con sẽ ở trên Thiên đàng với Ta” (Lc Lc 23,43).
Còn về địa ngục (hay hỏa ngục) thì Chúa Giêsu nói rất nhiều, ví dụ :”Thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục” (Mt 5,29; 18,9).
Trong dụ ngôn người phú hộ và người nghèo Lazarô, Chúa Giêsu nói đến số phận của hai người đều khác nhau : người nghèo khó Lazarô được đưa vào trong lòng ông Abraham tức là Thiên đàng, còn người phú hộ kia phải vào âm phủ chịu cực hình.
Như vậy, Chúa Giêsu chỉ xác định là có sự hiện hữu của Thiên đàng và hỏa ngục, còn Ngài không mô tả thiên đàng hỏa ngục như thế nào.
Chúa Giêsu không mô tả về Thiên đàng, có lẽ như vậy sẽ tốt hơn cho chúng ta để chúng ta sống trọn vẹn tự do và nhân phẩm của mình. Tuy nhiên, Ngài đã cho biết Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta. Tại sao ? Vì Chúa muốn chúng ta được ở bên Chúa, được Chúa chăm sóc và chia sẻ hạnh phúc với Ngài :”Lạy Cha, Con muốn rằng con ở đâu thì họ cũng ở đó với Con” (Ga 17,24). Cần phải có điều kiện nào ? Rất đơn giản :”Đây là điều răn Thầy truyền cho các con là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,17).
Chúng ta biết rằng Thiên đàng là phần thưởng Chúa dành cho con cái của Ngài sau một thời gian lưu đầy nơi trần thế, đã làm trọn nhiệm vụ được giao phó một cách tốt đẹp. Chúng ta dám tin chắc như thế, vì chính Chúa Giêsu đã hứa cho chúng ta trước khi bước vào cuộc tử nạn:”Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó” (Ga 14,1-3).
Nắm chắc được tư tưởng đó, thánh Phaolô đã nói với các tín hữu Philipphê rằng :”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20).
Trần gian này chỉ là nơi tạm trú, chứ không phải là quê hương. Đã là tạm trú thì chỉ ở một thời gian vắn và chỉ ở nơi thường trú thời gian lâu dài. Chúng ta sẽ rời thế gian này để về quê hương thật và vĩnh cửu nơi Cha chúng ta đang ở đấy. Vì thế, Thiên đàng là của chúng ta, mọi nỗ lực của chúng ta phải hướng về đó.
Việc Chúa Giêsu về trời đem lại cho chúng ta ánh sáng và hy vọng. Nếu không được ánh sáng phục sinh và lên trời của Chúa Giêsu soi sáng, con người chỉ có thể thấy gần mà không thể thấy xa, chỉ biết chú mục vào cuộc sống phù du đời này mà lãng quên cuộc sống mai sau, chỉ biết vun quén của cải vật chất tạm bợ trần gian mà không tích lũy cho kho tàng vĩnh cửu, chỉ biết kiếm tìm lạc thú chóng qua mà lãng quên hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời… Họ chối bỏ Trời, quay lưng lại với Thiên Chúa, khước từ thế giới thiêng liêng.
Về vấn đề này Chúa Giêsu đã nói rõ :”Không phải cứ ai thưa với Thầy : Lạy Chúa ! Lạy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 7,21; Lc 6,46; 13, 26-27).
Muốn vào Nước Trời thì phải thi hành ý muốn của Cha trên trời, nhưng ý muốn của Cha trên trời là gì?  Chúa Giêsu không nói rõ, không cho chúng ta biết thêm chi tiết. Ngài để cho chúng ta tìm hiểu dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Phải chăng ý muốn của Chúa Cha là theo như lời Chúa Giêsu dạy :”Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình. Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16, 24-27).
Từ bỏ mình” tức là đừng lấy thân xác làm mục tiêu cho mọi phấn đấu, mọi nỗ lực của ta : cụ thể là không dành toàn bộ công sức, thời gian, tài năng, trí tuệ để phụng sự thân xác.
Vác thập giá mình” là chấp nhận khổ chế, cụ thể là khước từ những đỏi hỏi vô độ của thân xác – sự khước từ nào cũng là một thập giá, đều để lại đau thương – để dành thì giờ và nghị lực cho sự phát triển tâm linh.
                                                                 Vòng hoa đẹp xấu là do con kết
                                                                 Thiên đàng có được là do con sống,
                                                                 Giầu hay nghèo cũng một kiếp người,
                                                                 Muốn Thiên đàng phải sống thánh.
Thiên đàng không trên trời cao và hỏa ngục không ở lòng sâu đất thấp – mà ở ngay chính lòng con, con có quyền chọn cho mình chứ không phải Chúa”.

@- Tại Sao Phải Năng Xưng Tội, Dù Không Phạm Tội Trọng ?
Có nhiều tín hữu cho rằng không phạm tội trọng, mà chỉ đi xưng thú các tội nhẹ (cứ phạm lui phạm tới hoài), thì đơn điệu, buồn tẻ quá. Hơn nữa Giáo Hội dạy rằng mỗi lần “Rước Lễ” các tội nhẹ đều được tha.
Điều đáng buồn hiện nay đó là dường như càng ngày con người càng đánh mất cảm thức về tội, không biết thế nào là tội hay không có tội. Riêng nhiều người tín hữu xem sự thú tội như một điều gì đó nặng nề không cần thiết. Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu xem xưng tội được những ích lợi gì :
1/Đây là lúc chúng ta ngưng nghỉ để rà xét lại lương tâm của mình, đã hành xử sai trái ra sao đối với giới răn của Chúa và Giáo Hội.
2/Sẽ được một Linh Mục, là người có đủ kiến thức, được huấn luyện, hiểu biết tội là gì, ban cho chúng ta những lời khuyên hợp lý giúp chúng ta nhận ra tội, để chừa, không tái phạm.
3/Chắc chắn sẽ nhận được sự tha thứ từ Thiên Chúa (qua công thức tha tội của vị Linh Mục), sẽ lãnh nhận ân sủng dồi dào của Chúa để phát triển các nhân đức.
4/Tái hội nhập vào cộng đoàn dân Chúa. Mỗi lần phạm tội tức chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa và anh em cũng như Giáo Hội (sẽ làm cho gương mặt Giáo Hội bị méo mó, đồng thời ngăn cản người khác đến với Giáo Hội). Cộng đoàn dân Chúa không phải là những cá nhân được tùy tiện hành xử những tiêu chuẩn luân lý khác nhau, khư khư giữ lấy ý tưởng, quyết đoán của mình về tội hay vô tội, và không cho phép hay tiếp nhận sự xét đoán nào khác. Cho nên, khi xưng tội với một Linh Mục là bạn đã giao hòa với Thiên Chúa cũng như Giáo Hội, có thể nói đại loại giống như Thẻ Hội Viên trong cộng đoàn Kitô Hữu. Nghĩa là cộng đoàn dân Chúa công nhận bạn là một thành viên và đó là vé vào cửa.
Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 trong Tông Huấn Mystical Body khuyến khích các tín hữu xưng tội thường xuyên cho dù không có tội nào trọng cả : “Đẩy nhanh sự tiến triển hàng ngày cùng với con đường nhân đức, chúng ta mong muốn diễn tập lòng ngoan đạo bằng sự xưng tội thường xuyên như là sự thành tâm bào chữa…”
Tóm lại, vì lòng thương xót vô biên Thiên Chúa để lại cho chúng ta bí tích hòa giải vì Ngài biết chúng ta rất cần đến nó. Mục đích và khao khát sâu thẳm của mỗi người Kitô hữu chúng ta là được kết hiệp mật thiết với Chúa trong mọi ý định, mọi ước muốn, hay nói cách khác đó là thiên đàng nơi hạ giới. Mà Thiên Chúa là Đấng vô tì vô vết, tuyệt đối tinh tuyền, bởi vậy cho dù chỉ phạm những tội nhỏ nhặt, và khi xưng thú sẽ đơn điệu, buồn chán, nhưng chúng ta tin chắc rằng sự kết hiệp với Thiên Chúa lúc này sẽ được tiếp tục như vậy trên Thiên đàng mãi mãi. Vì thế cho nên chúng ta hãy xem sự xưng thú tội lỗi thường xuyên là một phần của cuộc sống người Kitô hữu.
Cũng như chuyện dụ ngôn người samari nhân hậu, mà chúng ta biết có đoạn: có nạn nhân bị kẻ cướp dọc đường, cướp hết của cải cùng đánh cho nửa sống nửa chết ném giữa đường. Thì việc xưng tội cũng thế, vì cuộc sống của mỗi người là một chuyến đi và trên con đường chúng ta trở về Nước Trời, chúng ta luôn bị nhiều cám dỗ của ma quỷ, mà đúng hơn là ma quỷ luôn rình rập, chờ đợi thời cơ sẽ ra tay cướp hết những gì của ta và đánh đập ta dở sống dở chết, với các vết thương rồi ném ta giữa đường để ta không thể về quê thật của ta được nữa.Chỉ có cách là ta tìm đến với Chúa nơi tòa Giải Tội, Bí tích Giao Hòa ta mới được Chúa an ủi, băng bó những vết thương……
Qua các bài Tin Mừng được Thánh Sử Maco viết: Chúa Giesu động lòng thương xót nhiều người bệnh tật, Người đã đụng chạm,Chúa nói Ta Muốn.v.v…chúng ta thấy tất cả các bệnh nhân đã đến với Chúa hoặc được người khác đưa đến với Chúa, để được Người chữa lành mọi bệnh tật xác hồn nơi lòng tin của họ.

@ Trước hết, nói đến bí tích thì phải nói đến Chúa Kitô là Mầu Nhiệm cứu độ độc nhất cho nhân loại, vì ngoài Chúa ra, không có Mầu Nhiệm nào khác mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho con người. Bí tích là những dấu chỉ hữu hình mà Chúa Thánh Thần dùng để ban ơn cứu độ của Chúa Kitô cho chúng ta trong Giáo Hội. Đây là những phương tiện cứu rỗi hữu hiệu mà chính Chúa Kitô đã thiết lập để ban phát ơn thánh hóa và cứu độ của Người cho chúng ta cho đến ngày mãn thời gian. Có bảy bí tích như chúng ta quen thuộc từ xưa đến nay.
Điều kiện quan trọng nhất để lãnh cách hiệu quả bất cứ bí tích nào, là phải có đức tin, tức là vững chắc tin về hiệu quả thiêng liêng thật sự của bí tích muốn lãnh nhận hợp pháp trong Giáo Hội. Thí dụ, khi lãnh bí tích Thánh Thể, tức là rước Mình Máu Chúa Kitô, thì phải tin chắc rằng có Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong hình bánh và rượu nho; nếu không, việc rước Chúa sẽ là vô ích và người rước Mình Máu Chúa cũng chỉ thấy mình ăn chút bánh và uống tí rượu nho mà không cảm nghiệm được điều gì có tác dụng đánh động tâm hồn cả. Cũng vậy, khi đi xưng tội, nếu hối nhân không tin có Chúa Giêsu hiện diện và tha tội cho mình qua tác vụ của một linh mục, dù là bất xứng dưới mắt người đời, thì việc xưng tội cũng sẽ không mang lại lợi ích nào cho hối nhân. Nói rõ hơn, khi ta xưng tội thì ta xưng tội với Chúa qua vị linh mục và chính Chúa Kitô sẽ tha tội cho ta qua công cụ loài người là linh mục hay giám mục, là các thừa tác viên chính thức của bí tích hòa giải.
Chính vì thiếu điều kiện đức tin này, nên có người đã nói: tôi được rửa tội rồi mà có thấy mình được “tái sinh” ở chỗ nào đâu, tôi vẫn thấy tôi nguyên vẹn như cũ! hoặc “sau mỗi mùa chay và tuần thánh, tôi đâu có thấy mình chết đi và được sống lại với Chúa Kitô Phục Sinh như Giáo Hội nói đâu!”
Nói thế là vì không có đức tin, nên không tin có sự đổi mới trong tâm hồn sau khi nhận lãnh bí tích rửa tội, nhờ đó tội nguyên tổ và mọi tội cá nhân được tẩy sạch và đươc tái sinh trong sự sống mới, và “mặc lấy Chúa Ktô” như Thánh Phaolô đã dạy. Có đức tin thì mới tin có Chúa là Đấng tạo dựng mọi loài mọi vật, dù mắt ta không hề trông thấy Chúa, tai không hề nghe tiếng Ngài nhưng lòng trí vẫn tin chắc có Chúa như Giáo Hội dạy.
Giáo dân được khuyến cáo năng lãnh nhận các bí tích hoà giải và Thánh Thể để được thánh hoá, được giao hòa lại với Chúa, với Giáo Hội và với tha nhân sau khi đã lỡ sa phạm tội vì yếu đuối con người, và nhất là vì bị ma quỷ cám dỗ với gương xấu của thế gian.Bí tích Thánh Thể cũng ban sức mạnh thiêng liêng để giúp ta nên thánh, sống đức tin, đức cậy và đức mến cách nồng nàn trong trần thế này, sau khi đã được tái sinh qua Phép Rửa và được thêm sức mạnh, trí hiểu và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần qua bí tích Thêm sức. Nhưng cần nhớ là phải có đức tin khi lãnh nhận bất cứ bí tích nào, đặc biệt là hai bí tích hòa giải và Thánh Thể, để nhờ hiệu quả của bí tích có thể sinh hoa kết trái trong tâm hồn người lãnh nhận.

@ (ST) NHỮNG TỘI PHẠM ĐIỀU RĂN THỨ SÁU
Hỏi: Xin Cha giải thích rõ những tôi nghịch điều răn thứ sáu cần phải tránh.
Trả lời: Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ và trao phó cho họ trách nhiệm“sinh sôi nảy nở cho nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất.” (St 1:28)
Và để thưởng công và giúp để giúp con người chu toàn ơn gọi “sinh sôi nẩy nở cho đầy mặt đất”, Thiên Chúa đã ban cho người nam và người nữ quà tặng giới tính (sexuality) được phép thoả mãn trong tình yêu vợ chồng kết hợp chính đáng qua bí tích hôn phối. Trong giới hạn này, tính dục, theo giáo lý Giáo Hội dạy, giúp cho “người nam và người nữ hiến thân cho nhau qua những hành vi riêng và độc chiếm dành cho vợ chồng. Trong tinh thần đó, tính dục không phải là một cái gì thuần tuý sinh học (biological) nhưng nó liên hệ đến phần sâu xa nhất của nhân vị con người. Nó chỉ được thực hiện cách nhân bản thật sự khi nó là thành phần cấu tạo tình yêu làm cho người nam và người nữ hiến thân trọn vẹn cho nhau và cam kết gắn bó với nhau cho đến chết.” (SGLGHCG, số 2361)
Như thế có nghĩa là chỉ trong tình yêu hôn nhân, người ta mới được phép sử dụng và thoả mãn tính dục mà thôi.
Đức cố Giáo Hoàng Piô XII, trong diễn từ ngày 29-10-51 đã nói:
“Chính Đấng Tạo Hóa đã thiết lập cho vợ chồng cảm thấy sự vui thú và thoả mãn về thể xác và về tâm hồn trong chức năng sinh sản này. Vậy vợ chồng không được làm gì sai trái khi tìm kiếm và hưởng thú vui này. Họ nhận lãnh những gì Đấng Tạo Hoá đã dành cho họ. Tuy nhiên, vợ chồng phải biết giữ mình trong những giới hạn của một sự điều độ chính đáng.” (Sđd,số 2362)
Nói khác đi, chỉ trong đời sống vợ chồng kết hợp đúng nghĩa qua bí tích hôn phối, người nam và người nữ mới được phép hưởng thú vui phái tính cho mục đích sinh sản con cái, hoà hợp tâm hồn và tăng cường tình yêu phu phụ, đồng thời cũng nói lên “sự quảng đại và phong phú của Đấng Sáng Tạo” đã nối kết và chúc phúc cho họ trong tình yêu hôn nhân.
Dầu vậy, vợ chồng vẫn được khuyên phải thực hành đức khiết tịnh (chastity) là đức giúp“chế ngự những đam mê và thèm muốn của giác quan bằng lý trí.” (Sđd, số 2341)
Sau đây là những tội nghịch điều răn thứ sáu trong Mười Điều Răn Chúa truyền dạy:
Động lực chính đưa đến lỗi phạm điều răn này là khát vọng dâm ô (lust) hay tà dâm (fornification), tức những ước muốn về thú vui xác thịt hoàn toàn ở ngoài mục đích giới tính mà Thiên Chúa ban cho con người thụ hưởng để chu toàn mục đích của hôn nhân và để ca tụng “sự quảng đại và phong phú của Ngài”. Tà dâm lẫn lộn giữa giới hạn được phép hưởng thú vui phái tính và phạm vi không được phép tìm thú vui này.
Tà dâm đưa đến ngoại tình (adultery) tức vi phạm giao uớc hôn phối đòi buộc vợ chồng phải chung thủy yêu nhau và trọn vẹn thuộc về nhau cả tâm hồn lẫn thể xác.
Tà dâm đưa đến thông dâm (fornication) tức giao du tính dục giữa những người chưa kết hôn hoặc giữa người đã kết hôn và người chưa kết hôn. Tà dâm dẫn đến hiếp dâm (rape) một tội cướp đoạt thân xác của phụ nữ để thoả mãn thú tính trái với ý muốn của nạn nhân. Tà dâm cũng đưa đến bán và mua dâm, một tội làm thương tổn nặng nề đến phẩm giá của người phụ nữ vì biến họ thành những công cụ mua vui bất chính (illegitimate instruments for pleasures). Tà dâm cũng làm cho người ta mù quáng không biết xấu hổ khi phạm tội loạn luân (incest), một hình thức dâm loạn giữa những phần tử cùng huyết tộc trong gia đình.
Lại nữa, tà dâm cũng đưa đến thủ dâm (masturbation) tức là tìm thú vui phái tính một mình qua hành động kích thích cơ năng sinh dục để tìm thỏa mãn tính dục, một tội tự bản chất là xấu sa và vô luân.
Sau hết, trong thời đại suy thoái đạo đức này, tà dâm đang xô đẩy nhiều người đã mất hết lý trí và lương tâm đạo đức đi tìm thú vui xác thịt man rợ nơi những bé gái dưới tuổi vị thành niên, gây thương tật cả thể xác và tâm hồn cho những nạn nhân bất hạnh bị mua bán vào hoạt động cực kỳ tội lỗi khốn nạn này. Đây chính là một trong những bộ mặt đáng ghê sợ của “văn hoá sự chết” đang thịnh hành ở khắp nơi trên thế giới.
Phạm tội nghịch điều răn thứ sáu có hai hình thức chính sau đây:
1- bằng hành động: tức là trực tiếp làm những điều dâm ô, vô luân như hiếp dâm, thông dâm, ngoại tình, loạn luân, thủ dâm (masturbation), ấu dâm (child prostitution), mua bán dâm ..
2- bằng tư tưởng: nghĩa là ước muốn làm những điều dâm ô này. Đây chính là điều Chúa Giêsu đã cảnh cáo xưa kia: “Anh em nghe luật dạy rằng: chớ ngoại tình.Còn Thầy, Thầy bảo anh em: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt 5:27-28)
Ngoài hai hình thức trên, còn một hình thức nữa là gián tiếp xúi dục người khác tìm thú dâm ô qua tranh ảnh, sách báo và quảng cáo thô lỗ về phái tính. Đó là những hoạt động khiêu dâm bằng phương tiện truyền thông như sách báo, Video, DVD, mang đầy nội dung dâm ô thác loạn đã và đang đầu độc biết bao triệu người lớn nhỏ tìm đọc và xem những phim ảnh đồi bại vô luân này. Thêm vào đó, còn phải kể đến những quảng cáo cho những nơi ăn chơi ở các bãi biển, hộp đêm, hay quảng cáo nhớp nhúa, thô lỗ về phái tính như sửa chữa bộ phận sinh dục của nam nữ, nghệ thuật làm tình, thuốc kích thích v.v. Những hành động này không nhằm phục vụ cho sức khoẻ và hạnh phúc của con người mà thực chất chỉ để xô nhanh nhiều người xuống hố truỵ lạc để kiếm tiền mà thôi. Chắc chắn đây là tội làm gương mù gương xấu phải lên án trong phạm vi điều răn thứ sáu, vì đây chính là tội mà Chúa Giêsu đã từng nghiêm khắc lên án: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã. Thà buộc cối đá và cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó sống làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn này vấp ngã.” (Lc 17: 1-2)
Cũng được kể vào tội “làm cớ cho người ta vấp ngã” những người cố ý ăn mặc, nhẩy nhót hở hang (đầy rẫy trên các băng nhạc), nói chuyện tục tiũ khiêu gợi lòng thèm muốn bất chính về xác thịt cho người khác.
Tóm lại, thú vui phái tính chỉ được phép tận hưởng trong tình yêu hôn nhân chân chính mà thôi. Tìm thú vui này ngoài phạm vi hôn nhân, là điều sai trái nặng vì nó đi ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa, khi tạo dựng con người có phái tính, và mời gọi người nam người nữ cộng tác với Ngài trong chương trình sáng tạo và làm chứng cho tình yêu vô biên của Ngài, đối với toàn thể nhân loại.
Tóm lại, tà dâm hay dâm ô là khao khát hỗn loạn về phái tính, hoàn toàn trái nghịch với ý muốn của Thiên Chúa khi tạo dựng con người có nam có nữ và ban cho họ quà tặng phái tính (sexuality) để cộng tác với Chúa trong ơn gọi hôn nhân. Nghĩa là không được phép thực hành mọi hành vi tà dâm như đã nói ở trên trong mọi trường hợp, kể cả giữa vợ chồng. Nói rõ hơn, không phải đã là vợ chồng thì được phép xem những phím ảnh khiêu dâm, lui tới những nơi xấu sa và làm những “hành vi tính dục” không phù hợp với mục đích hiệp thông (unitive), tăng cường tình yêu phu phụ và sinh sản con cái (procreative) để cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo, tức là làm cho có thêm nhiều người trên trần thế này.
Người tín hữu Chúa Kitô chắc chắn phải xa tránh mọi hình thức của tội nghịch điều răn thứ sáu nói trên đây để xứng đáng là men, là muốn và là ánh sáng của Chúa Kitô giữa một thế giới gian tà sa đọa này.

@ Matthias: Người Công Giáo phải tham dự Thánh Lễ như thế nào? (sưu tầm)
   Giáo hội muốn con cái mình tham dự chứ không “đi xem, hay đi nghe lễ”, mà là đi dự Thánh Lễ” cách tích cực, linh động, Hiến chế Phụng vụ viết: “Giáo hội hằng bận tâm lo cho các tín hữu đừng tham dự Thánh Lễ như những khách bàng quang, câm lặng, nhưng nhờ hiểu thấu đáo mầu nhiệm đó qua nghi lễ và kinh nguyện sao cho họ tham dự hoạt động cách ý thức, thành kính và linh động, cho họ được đào luyện bởi Lời Chúa, được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa, biết tạ ơn Chúa”.
   Và nữa: “Để tham gia linh động, cần có những lời tung hô của dân chúng, những câu đối đáp, những bài thánh vịnh, thánh ca, và cả những động tác những cử chỉ, thái độ của thân xác. Cũng cần giữ sự thinh lặng thiêng liêng đúng lúc”.
   Bởi vì tính cách cao quí của Thánh Lễ là sự trao đổi giữa Chúa Tình yêu và các con cái của Người: “Trong Phụng vụ, Chúa nói với dân Chúa qua Lời Chúa, còn dân Chúa đáp lại Chúa qua tiếng hát lời kinh”, nên rất cần sự hiện diện, linh động và cảm mến.
   Ngoài lợi ích thiêng liêng cho lòng sùng mộ của con cái Chúa, Thánh Lễ còn có lợi ích giữa các con cái Chúa với nhau, nhờ Thánh Lễ Chúa nhật, Giáo hội khuyến khích giáo dân Phải gắng làm phát triển ý thức cộng đoàn giáo xứ, nhất là trong việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật
  Cách thức tham dự Thánh Lễ
*Tham dự trọn vẹn: Người tín hữu có bổn phận phải tham dự trọn vẹn thánh lễ trong các ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc. Thánh lễ gồm hai phần, phần phụng vụ Lời Chúa và phần phụng vụ Thánh Thể, được liên kết với nhau một cách chặt chẽ đến nỗi chỉ làm thành một hành vi thờ phượng duy nhất. Cho nên người tín hữu phải tham dự đầy đủ cả hai phần.
* Hiện diện và có ý thức Tham dự thánh lễ có nghĩa là phải có mặt tại chỗ và phải có ý thức:
– Các tín hữu phải có mặt với cả thân xác để cử hành thánh lễ trong các ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc.
– Các tín hữu phải tham dự thánh lễ với lòng sùng kính với sự chú ý.
“Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động. Do chính bản tính, Phụng Vụ đòi hỏi việc tham dự như thế;”.
   Mọi người Công Giáo phải ý thức về tầm quan trọng của việc tham dự Thánh lễ. Nếu vắng mặt cho bất cứ phần nào hay toàn phần của Thánh lễ mà không có nguyên nhân thì được xem như đó là sự biểu thị của sự xúc phạm hay xem thường Thánh lễ.
   Nghi thức thống hối là phần của Thánh lễ. Nó tiếp theo sau bài ca nhập lễ, liền sau khi Linh mục tiến lên cung thánh và chào hỏi cộng đoàn. Nghi thức thống hối có thể dùng những mẫu khác nhau. Mẫu thông thường là Kinh Cáo Mình hoặc là :”Lạy Chúa xin thương xót chúng con”; hoặc là :”Anh chị em hãy nhìn nhận tội lỗi…”. Chúng ta đến sau những lời nguyện này là đến trễ cho Thánh lễ.
   Do đó chúng ta phải cố gắng tham dự Thánh lễ cách trọn vẹn, hiệp thông với cộng đoàn dân Chúa. Nên đến sớm vài phút trước Thánh lễ để được nghe những tin tức của Giáo xứ hay những lời chỉ bảo quan trọng của Hội Thánh. Tham dự Thánh lễ từ đầu chí cuối là tỏ lòng tự trọng của chúng ta đối với Chủ tế nói riêng và cộng đoàn nói chung.
* Chúng ta thử nghĩ xem nếu đánh đổi sự ra về trước 5 hay 10 phút bằng lới chúc lành, chúc bình an của Thiên Chúa, chúng ta chọn điều nào!?

@ Iska: (Sưu tầm trên Internet) DẤU THÁNH GIÁ
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt.
Hằng ngày chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần. Sáng vừa thức dậy đã làm dấu Thánh giá đọc kinh dâng mình cho Chúa. Ðến nhà thờ chúng ta làm dấu Thánh giá trước khi đọc kinh. Thánh lễ mở đầu bằng dấu Thánh giá long trọng. Kết lễ là dấu Thánh giá nhận phép lành cuối lễ. Ở nhà trước và sau khi ăn cơm ta đều làm dấu Thánh giá tạ ơn Chúa ban của ăn nuôi sống gia đình. Tối trước khi đi ngủ ta làm dấu thánh giá xin Chúa gìn giữ thân xác và linh hồn ta qua đêm bình an. Mỗi khi gặp nguy hiểm ta đều làm dấu Thánh giá xin Chúa cứu ta khỏi mọi sự dữ. Dấu Thánh giá đúng là dấu chỉ của người có đạo. Tuy làm dấu Thánh giá nhiều lần như thế, nhưng chúng ta có hiểu biết ý nghĩa của dấu Thánh giá không ? Dấu Thánh giá có ý nghĩa gì ?
Thưa, khi làm dấu Thánh giá với lời công thức “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần” chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Thiên chúa Ba ngôi. Mầu nhiệm Thiên chúa Ba ngôi không phải là một lý thuyết xa vời, nhưng là một thực tế ảnh hưởng trực tiếp và sâu xa đến đời sống chúng ta.
Trước hết, khi vẽ dấu Thánh giá trên thân mình, ta nhớ đến công ơn Chúa Cha đã tạo dựng nên ta. Thân xác và nhất là linh hồn chúng ta không phải tự nhiên mà có. Cây có cội, nước có nguồn. Chính Chúa Cha đã tạo dựng nên ta, cho ta có linh hồn và xác, cho ta có mặt ở đời. Kỳ diệu hơn nữa, Chúa đã dựng nên ta giống hình ảnh Người. Việc này nói lên tình Chúa yêu thương ta thật vô biên. Yêu đến độ tạo dựng nên ta giống như Chúa. Việc này cũng làm ta được vô cùng vinh dự hơn muôn ngàn tạo vật. Vì ta được nâng lên hàng con cái Thiên chúa, ngang hàng với các bậc thần thánh. Cứ suy ngẫm điều này, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự hào vô cùng.
Thứ đến, khi vẽ dấu Thánh giá trên thân mình, ta nhớ đến công ơn Chúa Con đã cứu chuộc chúng ta. Việc Chúa Con cứu chuộc ta một lần nữa nói lên tình yêu thương vô biên của Thiên chúa. “Chúa Cha yêu thương ta đến nỗi đã ban Con Một của mình cho ta”. Thật là một tình yêu lớn lao không còn có thể yêu hơn được nữa. Chúa Cha yêu ta hơn cả Con Một chí ái của Người. Ðể Con Một của Người hi sinh xuống thế làm người chịu nạn chịu chết vì ta. Chúa Con yêu thương ta hơn cả bản thân Người. Vì yêu thương ta nên đã bằng lòng hiến mình chịu chết nhục nhã trên cây thập giá. Không còn tình yêu nào lớn lao hơn thế nữa. Ðúng như lời Người đã nói : “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hi sinh tính mạng cho bạn hữu”. Nhờ Thánh giá Chúa mà ta được cứu chuộc khỏi tội lỗi. Nhờ Thánh giá Chúa mà ta được khỏi chết để được vào nơi hằng sống với Chúa. Ðể ta được hạnh phúc, Chúa đã phải chịu khổ đau. Ðể ta được sống, Chúa đã phải chịu chết. Cứ suy ngẫm điều này ta sẽ thấy tình yêu Chúa lớn lao cao cả là dường nào.
Sau cùng, khi vẽ hình Thánh giá trên thân mình, ta nhớ đến thân xác ta là đền thờ Chúa Thánh Thần. Ðền thờ này rất cao trọng vì đã được chính tay Chúa Cha xây dựng nên. Ðền thờ này rất giá trị vì đã được tẩy rửa bằng Máu Chúa Con. Ðền thờ này rất đáng trân trọng vì đang được Chúa Thánh Thần tô điểm bằng tình yêu. Chúa Thánh Thần là tình yêu sẽ uốn nắn lòng ta cho biết yêu mến Chúa. Chúa Thánh Thần là tình yêu sẽ xua đuổi mọi thứ ghen ghét oán thù ra khỏi trái tim của ta. Chúa Thánh Thần là tình yêu sẽ hoán cải trái tim ta, cất đi trái tim chai đá, ban cho ta trái tim bằng thịt mềm mại biêt yêu thương.
Như thế, mỗi khi làm dấu Thánh giá, ta tuyên xưng mầu nhiệm Thiên chúa Ba ngôi. Như thế mỗi khi làm dấu Thánh giá, ta tuyên xưng tình yêu thương của Thiên chúa Ba ngôi. Như thế, mỗi khi làm dấu Thánh giá, ta quyết tâm sống xứng đáng với tình yêu của Thiên chúa Ba ngôi. Như thế, mỗi khi làm dấu Thánh giá, ta hiểu rằng tình yêu được minh chứng qua những đớn đau của Thánh giá.
Hiểu được như thế, ta sẽ thực sự biến dấu Thánh giá trở thành dấu chỉ của người tín hữu, người sống yêu thương. Hiểu như thế, ta sống mầu nhiệm Thiên chúa Ba ngôi trong cuộc đời.

Lạy Ba Ngôi Cực Thánh, xin chúc lành cho con.

“Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”. Amen.

@ Matthias: Trong băn khoăn, lo lắng khi nghe thấy có nhóm người làm lung lạc Đức tin Công Giáo, nên đã sưu tầm được những bài rất hay, chỉ coppy ít đoạn ghép thành bài này. Thấy hữu ích cho đức tin Công giáo nơi đgđ ta, đặc biệt cho các giới trẻ của chúng ta:
Trước tiên xin đọc lời chúc dữ của Thánh Phaolô trong Galat 1,8 thật tuyệt vời như sau để đừng tin theo họ:
 ”Nếu như ngay cả chúng tôi, hay một thiên thần nào đó từ trời xuống giảng tin mừng, khác với Tin Mừng mà chúng tôi đã rao giảng cho anh-chị-em, thì nó là kẻ đáng bị chúc dữ!”
Đạo Giêhôva được lập cách đây chừng 100 năm, do ông Charles Russell. Đạo này cũng được gọi là Hội Tháp Canh (Watchtower Society).
1. Những điều phải tin:
a/ Đạo này tin ngày tận thế: Sẽ có cuộc giao chiến giữa Chúa Kitô và Satan trước ngày tận thế. Họ nghĩ rằng trận đấu quyết tử này sẽ xảy ra vào năm 1914, 1925, và năm 1975 nhưng đã không xảy ra. Dầu vậy, họ vẫn giải thích loanh quanh, lừa dối kẻ ngây thơ. Họ nghĩ rằng họ không phải là công dân của bất cứ nước nào, mà chỉ là dân của tân thế giới Giêhôva. Nên họ không chịu chào cờ, đứng nghe quốc ca, đi lính, bầu cử, giữ chức vụ công cộng.
b/ Họ tin rằng họ sẽ được cứu: Đạo này chỉ tin có một Chúa là Chúa Cha, chính là Giêhôva. Chúa Giêsu không phải là Chúa, Người mặc xác thể loài người, chết đền tội lỗi chúng ta không phải trên thánh giá, nhưng bên cột đánh đòn tra tấn. Người là thụ tạo thần linh, phục vụ cho Thiên Chúa trên trời, trên đó Người chính là Tổng thiên thần Micae. Họ cũng tin rằng cuổi cùng, chỉ có 144 ngàn người sẽ được sống trên thiên đàng, các tín đồ Giehova khác, sẽ sống mãi mãi trên địa đàng nơi thế giới này. Ngoài ra, các người khác sẽ bị tiêu diệt hết.
2. Những điều phải giữ:
Họ chống lại vợ chồng ngoại tình, nam nữ thông dâm, phá thai, đồng tính luyến ái. Họ lên án cờ bạc, cấm truyền máu cho bệnh nhân, họ không giữ ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, họ chống đạo Công Giáo và Tin Lành, chống mừng ngày Sinh của mỗi người.
3. Truyền đạo:
Mỗi tín đồ phải làm công tác miễn phí từ 16 tới 20 giờ một tuần. Ði gõ cửa từng nhà để rủ rê người theo đạo này. Họ gõ đi gõ lại, nài nỉ, bắp ép người ta cho vào, chỉ xin vào nói vài câu, nhưng khi đã vào được rồi, họ phát sách , họ nói chê bai đạo này đạo kia, nhất là đạo Công Giáo. Họ thuộc lòng mấy câu Kinh Thánh, rồi dụ dỗ những người còn kém Kinh Thánh, kém Giáo Lý, không biết cách tranh luận..Đừng gắng tranh cãi với họ, nếu bạn không biết nhiều về các câu Kinh Thánh và Giáo Lý đạo Công Giáo.
Hầu hết tín đồ đạo Giêhôva là người đã theo Công Giáo hoặc Tin Lành, bỏ đạo mình đi theo đạo mới.
Ông Leonard Chrétien, một cựu Chứng Nhân Giêhôva, từng giữ chức vụ trong “Wachtower Bible”“Tract Society” của giáo phái này trong 22 năm, đề nghị cuốn “The Finished Mystery” vì đó là một thí dụ điển hình của sự biến thái quái dị về giáo lý của Watchtower trong vài trăm năm qua, và nó hữu ích vì cho chúng ta thấy những sai lầm và mâu thuẫn của giáo lý Chứng Nhân Giêhôva. 

Cuốn “The Finished Mystery” là cuốn thứ bảy trong bộ “Studies in the Scriptures”, là bộ sách do giáo chủ Chứng Nhân Giêhôva, ông Charles Taze Russell viết. Ðó là mớ hỗn tạp những điều tiên tri sai lạc, nói bừa bãi về việc dẫn giải Kinh Thánh, và huênh hoang tấn công Giáo Hội Công Giáo. Cuốn “The Finished Mystery” được ấn hành năm 1917, sau khi tác giả chết.. và được rêu rao đó là một chỉ trích “Thế Giới Kitô Giáo” mà không có câu giải đáp.
Nhiều năm trôi qua, và khi các điểm chính yếu về thần học của giáo phái này thay đổi, cơ quan “The Watchtower” rầm rĩ công bố những tiên đoán ma về ngày giờ Ðức Kitô tái giáng lâm. Thật trớ trêu, cơ quan “The Watchtower” đã có nhiều mâu thuẫn trong các điểm thần học mới của họ và cũng không thể giải thích được những tiên đoán sai lầm trong sách của giáo chủ Russell… Trong một hành động được hiểu là để kềm chế mối bất lợi này, nhóm lãnh đạo Chứng Nhân Giêhôva đã thu hồi tất cả các sách trong bộ “Studies in the Scriptures”.
Hầu hết các người Chứng Nhân Giêhôva không biết đến bộ sách này, với lý do hiển nhiên là cơ quan “The Watchtower” thận trọng, không để lọt vào tay bất cứ ai. Nhưng bạn có thể có được bản chụp ảnh (photographically reproduced) của cuốn này từ cơ quan Witness Inc., một tổ chức hộ giáo của Tin Lành, nhằm bác bỏ những sai lạc của “The Watchtower”. (P.O. Box 597, Clayton, CA 94517, [415] 584-3838).
Như với tất cả mọi tổ chức hộ giáo của Tin Lành, rất có thể có những sai lầm về thần học mà người Tin Lành đưa ra như một “giải đáp” cho những sai lạc của các “tà giáo.” Bạn cần thận trọng về chiều hướng của người Tin Lành. Cuộc nghiên cứu của tổ chức này (Witness Inc.) vẫn hữu ích vì khả năng chuyên môn của họ trong việc vạch trần những sai lạc và mâu thuẫn trong các tài liệu của “The Watchtower” như Awake! cũng như những tài liệu không còn xuất bản.
Xin cám ơn tất cả, để cùng nhau vững mạnh trong Đức Tin Công Giáo.

@ Iska: Đọc qua bài chia sẻ của Matthias.. Iska có đôi điều suy nghĩ cá nhân và góp ý thêm về đạo này như sau:
Họ chỉ tin thờ duy nhất đấng Giêhôva, là đấng tạo hóa.
Họ không làm dấu Thánh Giá, vì không tin Chúa Giêsu, không tin có Ba Ngôi Thiên Chúa.
Họ không thờ ảnh tượng, kể cả hình ảnh Ông Bà, Cha Mẹ.. Vì cho là Ngẫu Tượng.
Họ học thuộc lòng Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước. Rồi tìm những kẽ hở, những mặt chữ.. để trì triết và phản bác Công Giáo, Tin Lành.. khi muốn truyền đạo của họ.
Theo nhận xét của Iska, thì có 2 loại người sẽ theo đạo ‘chứng nhân Giêhôva.. Một là loại người yếu về nhân đức Tin Cậy Mến và lười biếng… Vì họ không bao giờ đi đến Nhà Thờ. Không bao giờ đọc kinh.. nhất là Kinh Kính Mừng. Không phải vào Tòa Hòa Giải, vì chẳng có tội. Được phép ly dị, để lấy bà 2 bà 3.. vì không tin và tuân phục Hội Thánh Công Giáo.. Với những loại người này, thì chẳng cần phải giảng đạo, họ cũng nhắm mắt mà theo ngay. Loại thứ hai là loại ‘Người Cả Tin’.. dễ lung lạc ý chí. Thật tội nghiệp, tại sao lại tin được cái giáo lý ‘vô nhân tính’ ấy chứ.. Không được thờ bất cứ ảnh tượng nào, kể cả Ông Bà, Cha Mẹ. Không được truyền máu, dù là cứu giúp người khác hoặc người thân. Luôn tìm cách hạ gục những người khác bằng chân lý cùn. Một giáo lý không tình người.. Chúng ta nên cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều cho họ. Nguyện xin Thiên Chúa cảm hóa tâm hồn họ.
Xin các thành viên cùng đóng góp ý kiến, hoặc những ai đã bị nhóm này ‘truyền đạo’.. hãy nói lên những kinh nghiệm của mình, hoặc những ai đang dần mất Đức Tin vì nghi ngờ.. Xin hãy viết lên những ý kiến và nhận xét của mình nhé. Chân thành Cảm ơn. Iska-VuongNguyen.

@Matthias:  Để tránh cho Ta khỏi bị dụ dỗ, lôi kéo… của những người, nhóm người mà không dám xưng mình thuộc giáo phái, đạo nào. Họ sợ Ta không nghe, nên họ luôn nói về Kinh Thánh trước để lấy lòng tin…. Xin có thêm những điều dưới đây: của Hội Thánh Công Giáo, hầu giúp Ta cùng nhau giữ vững Đức Tin (sưu tầm).
Cách tốt nhất để tranh luận với Chứng Nhân Giêhôva khi họ đến nhà giảng đạo là gì?

   Giêhôva khai sáng cho họ để hiểu điều Thánh Gioan thực sự muốn nói trong chương 6. Hãy bảo họ đọc lại Phúc Âm, phải “ngay thẳng với Thiên Chúa”, và điều đó có nghĩa phải đi theo chân lý đã dẫn dắt họ. Phải tín thác vào Thiên Chúa và theo Ngài bất cứ đâu Ngài dẫn dắt, ngay cả đó là lúc họ không muốn theo.
Những giải thích trên chỉ xảy ra nếu bạn may mắn gặp người Chứng Nhân. Hãy chú ý đến Phúc Âm Thánh Gioan chương 6.
Nếu bạn may mắn, việc thảo luận của bạn về chương này–là đoạn mà Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thể và tuyên bố rõ ràng là bánh và rượu thực sự là mình và máu của Ngài–sẽ đưa Chứng Nhân Giêhôva vào vòng lẩn quẩn. Hãy nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu lập đi lập lại là chúng ta phải ăn thịt và uống máu Ngài, và Ngài không thể thuyết phục người nghe thời đó đừng nghĩ rằng điều đó có ý nghĩa biểu tượng. Ngài nói theo nghĩa đen, và những người thời đó hiểu như vậy.
Trước hết nhiều người Do Thái bỏ đi, lắc đầu không tin nổi. Sau đó một vài môn đệ bỏ Chúa Giêsu, không thể chấp nhận tín điều về sự Hiện Diện Thực. Một nhân vật đặc biệt bỏ đi: đó là Giuđa (xem câu 64). Chính lúc này, vì không tin sự Hiện Diện Thực, mà Giuđa đã phản bội Ðức Kitô. Quả thật Giuđa là một tên trộm và là kẻ phản bội, nhưng chính lúc này mà hắn bắt đầu có manh tâm.
Nếu bạn đọc chương 6 một cách chậm rãi, nhấn mạnh vào những sự kiện xảy ra, Chứng Nhân Giêhôva sẽ rơi vào hoàn
cảnh khó xử. Hãy cho họ thấy rằng những người thời đó hiểu lời Chúa Giêsu nói theo nghĩa đen–vậy tại sao chúng ta lại không hiểu như vậy?
Có thể họ nói rằng “Thiên Chúa Giêhôva có hiểu biết. Có thể điều bạn dẫn chứng trong Phúc Âm Thánh Gioan chương 6 không ảnh hưởng gì đến họ. Hãy kiên nhẫn, đợi họ trở lại và tiếp tục.
Tôi có được đến “Kingdom Hall”, là nơi mà người Chứng Nhân Giêhôva thờ phượng không? 
Ðược và không. Nếu bạn thực sự có kiến thức về giáo phái này và muốn xem cách họ cử hành nghi lễ và những kiểu cách họ giảng dạy cho dân chúng, thì cứ tự nhiên. Bạn không thiệt hại gì, và có thể bạn học được những tinh xảo mà bạn áp dụng vào việc đi truyền giáo từng nhà. 
    Nhưng nếu bạn bị tò mò vì những gì người Chứng Nhân Giêhôva nói, và nghĩ rằng “Tôimuốn tự mình tìm hiểu”, thì bạn nên tránh xa. Nếu bạn chỉ có một chút nghi ngờ về những gì người Chứng Nhân Giêhôva nói, có lẽ bạn không đủ kiến thức về đức tin của chính bạn và của họ. 
    Nếu bạn thực sự hiểu biết đủ, nếu bạn nắm vững đức tin Công Giáo và qua sự học hỏi bạn tin rằng đức tin của bạn không bị lay chuyển bởi bất cứ gì người Chứng Nhân Giêhôva nói, thì hãy tin rằng giáo lý của họ cũng không có gì là tốt đẹp hay có giá trị lịch sử. 
    Ðiều đó nghe có vẻ thiển cận, và thực như vậy nếu chúng ta nói về một tổ chức Kitô Giáo chính đáng, nhưng Chứng Nhân Giêhôva không phải là Kitô Giáo, và giáo lý của họ thiếu xác thực–như được chứng minh bởi bản dịch Phúc Âm của họ, được gọi là “The New World Translation”, gồm những đoạn chủ ý dịch sai để hỗ trợ cho điều họ tin tưởng. (Phúc Âm của người Công Giáo và Tin Lành không đồng ý với những ý tưởng này, tỉ như họ cho rằng không có hỏa ngục hay Ðức Giêsu không phải là Chúa mà là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae). 
     
Bất kể giáo lý của Chứng Nhân Giêhôva có sai lầm đến đâu, đừng coi thường sự dụ dỗ của các người theo giáo phái này. Họ là những người có tài thuyết phục. Ðừng đưa mình vào hoàn cảnh bị cám dỗ nghĩ rằng, “Ồ, mình có thể lý luận với những tên này, dù mình không biết nhiều về đức tin Công Giáo Nếu bạn nghĩ như thế, thì bạn là con mồi ngây thơ mà họ đang tìm kiếm, vì một khi bạn không thể bài bác những điều họ tin tưởng, và không thể nêu ra lý lẽ của Công Giáo, bạn sẽ thất bại và sẽ bắt đầu liên lạc với Kingdom Hall.
Ðừng cười. Nó đã xảy ra nhiều lần. Nhiều người Công Giáo có thái độ tự mãn: “Tôi không cần biết đức tin của tôi vì đức tin của tôi có thật” Thái độ đó tốt–cho đến khi bỗng dưng bạn cảm thấy mình rỗng tuếch khi được hỏi những câu quan trọng về đức tin. Có thể ngày hôm nay bạn nghĩ mình không bị khuất phục bởi sự tán tỉnh của các Chứng Nhân Giêhôva, nhưng đó là điều mà những người đi theo giáo phái này từng nói như thế. 

@Matthias: (Sưu tầm)
Ở trên đời có không ít người đi tìm hạnh phúc, nhưng lại chẳng tìm đúng nơi. Cũng có lắm kẻ đã đến đúng nơi rồi nhưng lại không biết mình nên tìm thứ gì. Có nhiều người tầm sư học đạo mà tìm mãi không ra, nhưng cũng có lắm kẻ đang ở trong chính đạo, nhưng lại cứ kiếm những thứ gì đâu! Có bao giờ bạn đặt câu hỏi với chính mình: Tôi đã thuộc về chính đạo chưa? Nếu rồi, thì nơi đó tôi đang muốn điều chi?

Đặt câu hỏi như vậy là để xác định cho mình một mục tiêu, nếu chưa có. Hỏi như thế cũng là để chỉnh đốn hướng đi, nếu như mình đang bước không đúng với tinh thần của đạo.
Khi yêu quí thứ gì thì người ta đâu muốn bị mất mát hư hao. Cho nên nếu có phương cách để bảo vệ, tất họ sẽ không ngần ngại thi hành. Đây là tâm lý chung mà nhiều kẻ nhờ biết khai thác và kinh doanh đã trở nên giàu to. Bao dịch vụ hay công ty mang danh bảo hiểm – insurance – đã xuất hiện để bồi hoàn cho những mất mát hay hư hao đó.
Kết quả là nhiều thứ bảo hiểm xuất hiện: nhà cửa, xe cộ, vật dụng, công việc, sức khoẻ, nhân thọ. Thậm chí còn có bảo hiểm cho cả chó mèo, chim chóc trong nhà.
Không có thứ bảo hiểm nào lại không liên quan đến sự sống người ta. Tôi mua bảo hiểm cho chiếc xe, cài nhà, cửa tiệm, bức tranh, chiếc nhẫn kim cương… là vì những thứ đó có dính dáng đến cuộc sống của tôi phần nào.
Nhưng thử hỏi có mấy thứ bảo hiểm người ta đang có mà lại không đụng đến đồng tiền? Phải nói rằng trong thực tế, thứ nào cũng cần có tiền mới mua được. Thành ra để bảo hiểm cho thứ này vật kia, tôi phải nai lưng ra kiếm tiền; để bảo vệ sự sống, tôi phải lo lắng vất vả thức khuya dậy sớm cày thêm tí “job” để có tiền đóng bảo hiểm. Rốt cuộc, tôi đã tiêu hao sự sống để bảo vệ sự sống. Trực tiếp giữ gìn sự sống thân xác trong khi đã gián tiếp đánh mất nó. Mà nhiều khi lại đánh mất trong hãnh diện và tự hào mới khốn chứ!
Quả là phù vân tiếp nối phù vân, hư không trên các sự hư không.
Nếu không thoát được bao sự hư không phù phiếm đó thì tôi sẽ chẳng khác chi gì “người phú hộ giàu có“ trong Tin mừng của thánh Luca: gặp năm được mùa, lúc thóc dư tràn, người phú hộ không biết để đâu cho hết. Sau nhiều hôm trằn trọc băn khoăn, cuối cùng ông tìm được một kế: phá quách các kho nhỏ, đóng một kho thật lớn để chất tất cả tài sản thóc gạo vào đó. Thế rồi, khi mọi sự hoàn tất, được bảo đảm bởi một kho lẫm chắc chắn, ông phú hộ mới nói với linh hồn: “Hãy ăn đi, uống đi, hãy nếm cho thoả thích mùi đời đi, hỡi linh hồn của ta.”
Nhưng bất thần có tiếng Chúa phán: “Đồ ngốc, ngay đêm nay người ta sẽ đòi lại hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ kia sẽ để lại cho ai đây?” (Lc 12,16-21)
Mới đọc qua dụ ngôn, không ít người thắc mắc : một kẻ làm ăn cần cù, có lẽ không gian dối lừa gạt bóc lột ai, nhưng sao lại bị kết án “đồ ngốc” nặng nề như vậy? Thế nhưng, suy nghĩ một chút người ta sẽ phải công nhận người giàu có kia đã phạm phải ba lỗi lầm chứng tỏ ông ta ngốc thật.
Lỗi lầm thứ nhất: ông tưởng của cải vật chất là yếu tố căn bản có thể mang lại sự sống cho linh hồn, một hữu thể vô vật chất. Ông ngây ngô khi nói với linh hồn mình hãy cứ ăn uống những thứ mà ông thu tích được kia.
Lỗi lầm thứ hai: ông phá được các kho lẫm ích kỷ nhỏ nhoi của mình để rồi xây lại một cái khác to lớn hơn.
Phải chăng trong thực tế cũng có không ít người phá được hầu bao của mình để dâng cho Chúa một chút tiền công đức thì lại cứ muốn tên tuổi được khắc ghi trên bia đồng hay bia đá, hoặc có những người vừa thoát được cái thế giới thầm lặng khép kín của mình để ra đóng góp cho cộng đoàn tha nhân thì lại xây ngay một cái kho khác lớn hơn: cái kho của tự cao tự phụ – mọi người phải biết đến phần đóng góp của tôi, nếu không thì tôi rút lui
Đó không phải là nẻo đường chân chính của Phúc âm. Trái lại, theo tinh thần Kitô giáo, phá kho là để trao ban cho người chứ không phải xây lên kho khác để rồi lại tích lũy cho mình.
Điều lầm lẫn thứ ba: của người phú hộ là chỉ biết hướng về những sự dưới đất, những chuyện thế gian, những phạm vi thân xác, và thiếu quan tâm đến những thiêng liêng hay cuộc sống mai sau.
“Người ta sẽ đòi linh hồn ngươi” Câu nói này đã bộc lộ một chân lý: Đến giờ chết thân xác sẽ tiêu tan, trở về với cát bụi, chẳng ai còn tha thiết với nó. Những gì sẽ được đem đi chính là linh hồn. Cho nên thật là khờ dại khi chỉ tích trữ, trang điểm, vỗ béo cho thân xác mà quên mất hay coi nhẹ việc tô điểm hoặc bảo hiểm cho linh hồn.
“Người ngốc” được nói đến trong Phúc âm là kẻ chỉ biết có hiện tại, tìm kiếm và hưởng thụ những giá trị hữu hình.
Người khôn ngoan chính là người sống trong hiện tại nhưng biết hướng về tương lai, ở trong thế giới hữu hình nhưng luôn chuẩn bị cho mình những giá trị và tài sản vô hình thiêng liêng.
Người khôn ngoan “khi còn sống trên địa cầu biết kiềm chế các chi thể là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là những sự thờ quấy… (cùng với) nóng giận, gắt gỏng, thâm độc, chửi rửa, thô tục” (Col 3,5,8)
Người khôn ngoan là người biết rằng không có gì quí bằng linh hồn, không có gì quan trọng cho bằng sự sống mai sau với Đức Kitô. Từ chỗ nhận biết này người khôn ngoan sẽ lo việc bảo hiểm linh hồn của mình nhiệt thành hơn.
Có rất nhiều phương cách để giúp bảo hiểm linh hồn, nhưng có một phương cách mà ai chịu khó đầu tư cũng đều nắm chắc phần thắng. Đó là cầu nguyện. Thánh Anphongsô từng khẳng định: Ai cầu nguyện nhất định được rỗi linh hồn Bởi vì qua cầu nguyện, người ta sẽ vững bước trên con đường tiến về Thiên Chúa.

# Chiếc Cầu một câu chuyện hay:

@Matthias: Để Hưởng Nhiều Ơn Ích Hơn Từ thánh Lễ (ST).
Hội Thánh Công Giáo tin vào “sự hiện diện đích thực” của Chúa Ki-tô nơi nhiệm tích Thánh Thể. Bánh và rượu linh mục dâng tiến không chỉ là một biểu tượng nhắc nhớ về Chúa Giê su và những gì Người đã làm cách đây hơn 2000 năm mà bánh và rượu đã thực sự trở thành Mình và Máu Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Nhưng nếu như quyền năng của Chúa Ki-tô – quyền năng dời núi chuyển non, làm cho La-za-rô chết sống lại và tạo thành trời đất – hiện diện trong phụng vụ, lẽ nào những người tham dự thánh lễ lại không cảm nhận được một chút biến đổi nào trong cuộc sống của mình?
Một cuộc điều tra đã chứng tỏ rằng đa số những người thỉnh thoảng tham dự thánh lễ có một lối sống và các giá trị y như những người chẳng bao giờ đi lễ. Từ đó, một số người kết luận rằng giáo huấn của Hội Thánh về sự hiện diện thực sự có thể là sai. Tuy nhiên, có hai khía cạnh trong giáo huấn của Hội Thánh về thánh lễ và chúng ta phải lưu ý đến cả hai để giải đáp vấn đề. Một mặt, Đức Ki-tô hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể. Người ở giữa chúng ta một cách đích thực như Người đã ở giữa đám đông dân chúng trong khi thi hành sứ vụ công khai. Mặt khác, kết quả có được trong đời sống từ cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Ki-tô sẽ tương ứng trực tiếp với đức tin và sự cởi mở nơi chúng ta. Điều này giải thích tại sao chỉ có rất ít người tỏ ra là họ được biến đổi do gặp gỡ Chúa Ki-tô nơi nhiệm tích Thánh Thể.
ĐỨC TIN LÀM NÊN KHÁC BIỆT
Quả thực, việc Chúa Giê su hiện diện thể lý ngày nay nơi nhiệm tích Thánh Thể có tác động chẳng khác gì sự hiện diện của Người trong những ngày Người thi hành sứ vụ công khai. Hãy nghĩ tới đám đông đang chen chúc vào lúc Chúa Giê-su đi ngang qua, Người xoay quanh và nói: “Ai đã chạm đến Ta?”(Mc 5,24-34). Các tông đồ bối rối. “Thưa Thầy, Thầy muốn nói gì?” Thày đang chạm đến cả hàng trăm người cơ mà.” Nhưng Chúa Giê su có ý nói: “Ai đã vươn tới Ta và chạm đến Ta bằng đức tin?”. Thế rồi người phụ nữ bị băng huyết đã bước ra, phủ phục trước mặt Người. Rất đông người chen lấn đụng chạm đến Chúa Giê su về thể lý nhưng duy chỉ có người phụ nữ ấy được chữa lành. Không người nào khác nhận ra Chúa Giê-su là ai; họ chẳng trông đợi gì nơi Người và kết quả là họ chẳng được gì. Trái lại, đức tin của bà đã làm thành cầu nối cho phép quyền năng chữa trị của Chúa Ki-tô tuôn chảy vào bà. Đức tin của bà đã làm nên tất cả sự khác biệt. Những người không đạt được gì từ cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Ki-tô cũng giống như trường hợp mảnh đất khắc nghiệt của vùng Texas vào mùa hè. Bắt đầu từ tháng 5, mặt trời không dứt tỏa sức nóng xuống vùng đất này. Đến khoảng giữa tháng 6, mặt đất bị nướng khô và trở nên cứng như đất sét nung. Kết quả là bất cứ khi nào xảy ra cơn mưa rào mùa hè thì lập tức dẫn đến ngập lụt. Nước không thể ngấm vào trong lòng đất và chẳng ích lợi gì cho những cây cối đang khát nước bởi vì đất đã không được chuẩn bị. Nước cho cây cối sự sống như thế thành ra vô ích. Đối với nhiều người đi lễ cũng vậy. Quyền năng của ân sủng biến đổi đời sống luôn có đó, nhưng không thể thâm nhập vào chúng ta. Do chúng ta chưa sẵn sàng. Do đầu óc chúng ta chai đá và vẫn chưa vữa ra nhờ cầu nguyện, đức tin và ăn chay.
Để hưởng được nhiều ơn ích hơn từ thánh lễ, đây là một vài đề nghị :
CHUẨN BỊ KỸ CÀNG HƠN
CHUẨN BỊ BẰNG ĂN CHAY. Hội Thánh có kỷ luật về chay Thánh Thể. Trong đó, các tín hữu kiêng dùng mọi thức ăn thức uống trước khi rước lễ một giờ, chỉ trừ nước lã. Đòi hỏi tối thiểu này nhắc nhở chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn đón nhận Chúa Giê-su Thánh Thể. Chắc chắn rằng, chúng ta có thể tự do làm nhiều hơn thế. Chẳng hạn, chúng ta có thể “chay tịnh” khỏi ồn ào và khỏi những chia trí do các phương tiện truyền thông gây ra. Nhờ đó, tâm trí chúng ta sẽ thảnh thơi hơn trước những tiếng ầm ỹ và bừa bộn. Chúng ta cũng khỏi phải chiến đấu vất vả để có thể tập trung vào Chúa khi bước vào thánh lễ.
SUY GẪM CÁC BÀI ĐỌC. Chúng ta có thể chuẩn bị thánh lễ bằng việc đọc kỹ các bài đọc trước lễ. Điều này giúp chúng ta hiểu chúng trước khi được nghe đọc lớn tiếng trong phụng vụ.
CẦU NGUYỆN TRƯỚC. Hội Thánh luôn luôn khuyên nhủ chúng ta chuẩn bị tham dự thánh lễ bằng cầu nguyện. Một đề nghị thực tiễn là chúng ta nên đến nhà thờ sớm hơn một chút. Sớm trước ít phút giúp chúng ta có thời gian để tĩnh tâm, trầm lắng cầu nguyện và chú tâm hết sức vào thánh lễ. Chúng ta ý thức “làm một hành vi đức tin” vào sự hiện diện đích thực của Chúa Ki-tô trong những khía cạnh khác nhau của phụng vụ. Nếu không cầu nguyện tự phát, chúng ta có thể nói với Chúa : “Lạy Chúa Giê su, con thực sự tin rằng những người ở chung quanh đây là anh chị em của Chúa và vì thế cũng là anh chị em của con. Trong Chúa, chúng con là một nhiệm thể. Con xin tôn vinh Chúa ở đây. Lạy Chúa Giê su, con tin vị chủ tế hôm nay sẽ thực sự hành động nhân danh Chúa và ngài sẽ thi hành chức tư tế của Chúa. Xin Chúa chúc lành và xức dầu cho bài giảng của ngài hôm nay. Xin trợ giúp ngài tham dự một cách trọn vẹn thánh lễ này. Lạy Chúa, con tin Chúa sẽ hiện diện trong Lời Chúa. Xin mở tai con để lắng nghe Chúa. Con không muốn suy nghĩ viển vông về những gì con sẽ phải làm hay những gì con còn chưa làm được. Xin giúp con có thể tập trung được để lắng nghe và đáp lại Chúa. Cuối cùng, lạy Chúa, xin trợ giúp con chào đón Chúa ngự vào lòng con khi con tiếp nhận Mình và Máu Chúa và được biến đổi nhờ sự hiện diện của Chúa.
Làm một “hành vi đức tin” như thế là một cách thao luyện bắp thịt đức tin của chúng ta. Nó cũng giống như việc tập thể dục vậy. Cơ bắp của chúng ta thực sự chẳng thể săn chắc trừ phi được tập luyện.
ĂN MẶC CHỈNH TỀ XỨNG ĐÁNG. Chúng ta chỉ cần suy nghĩ rằng mình sẽ đi thăm Chúa Ki-tô và đó là biến cố quan trọng nhất trong tuần lễ của tôi, vậy tôi phải ăn vận thế nào?
CÒN NHIỀU ĐIỀU KHÁC NỮA
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bỗng dưng bạn nhảy khỏi bữa tiệc thịnh soạn, đi ra ngoài rồi tham gia chạy marathon? Chắc chắn sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa và những điều tồi tệ hơn nữa! Chẳng lẽ chúng ta lại không cho chính mình một cơ hội để tiêu hóa những gì đã lãnh nhận trong thánh lễ sao, sau khi rời khỏi Bàn Tiệc Của Chúa. Thánh lễ là một bữa tiệc thịnh soạn, một Lễ Hội Đức Tin. Chúng ta cần có thời gian để tiêu hóa và dần dần hưởng ơn ích từ đó. Bởi vì thánh lễ quá bổ dưỡng cho chúng ta hấp thụ tất cả ngay lập tức, cho nên Hội Thánh khuyến khích chúng ta dành thời gian cầu nguyện trước thánh lễ. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo chỉ ra rằng “Kinh nguyện tiếp nhận phụng vụ và đồng hóa với phụng vụ trong khi và sau khi được cử hành”(#2655).
Nơi tốt nhất để cầu nguyện là chính nhà thờ chúng ta sẽ tham dự thánh lễ. Khi có thể, hãy ở lại thêm một chút với Chúa Ki-tô sau khi kết lễ để cảm tạ Người. Đây là lời khuyên của Hội Thánh và chúng ta đọc thấy trong tài liệu chính thức có tên “Về việc Rước Lễ và Phụng Thờ Mầu Nhiệm Thánh Thể ngoài Thánh Lễ” rằng: “Để tiếp tục việc cảm tạ trong thánh lễ được dâng lên Thiên Chúa một cách chắc chắn hơn, theo một cách thức trổi vượt, những ai đã được dưỡng nuôi bởi hiệp lễ được khuyến khích nên lưu lại để cầu nguyện”(25). Thời gian chúng ta dành cho những thành viên khác của nhà thờ cũng thật quan trọng. Vì tất cả chúng ta là những chi thể của nhiệm thể Chúa Ki-tô. Chúng ta nên biết nhau và vui thú gặp gỡ thân tình với nhau trước hay sau thánh lễ chúa nhật. Tuy nhiên, điều này không thể so sánh với việc dành ít phút cầu nguyện riêng với Chúa sau giờ phụng vụ . Sẽ rất hữu ích nếu toàn bộ giáo xứ cam kết với nhau giữ thing lặng sau lễ. Tình bằng hữu cộng đoàn có thể bắt đầu bên ngoài cung thánh – nơi tiền sảnh, cửa nhà thờ, hội trường giáo xứ hay bãi đậu xe. Một số nơi có thói quen rất tốt là lúc kết lễ, họ tắt bớt một số đèn và để ánh sáng trong nhà thờ tối hơn. Ai cần rời khỏi nhà thờ thì rời, còn hầu hết mọi người quỳ xuống cầu nguyện ít phút, sau đó họ ra ngoài để dùng cà phê, chia sẻ, đùa vui với nhau. Nếu sau lễ, nhà thờ được sử dụng để cử hành thánh lễ tiếp theo, việc cầu nguyện cảm tạ Chúa có thể thực hiện sau đó tại một nơi khác hoặc tại gia đình chúng ta.
ƠN ÍCH TÙY THUỘC VÀO CHÚNG TA
“Tôi chẳng được gì từ thánh lễ cả”. Lần tới, khi nghe ai nói câu này hay chính chúng ta suy nghĩ như thế – hãy nhớ những gì Hội Thánh dạy về sự hiện diện đích thực của Chúa Ki-tô nơi nhiệm tích Thánh Thể. Tin tốt lành cho chúng ta là đích thực Người vẫn ở đó cho dù linh mục, nhà thờ, âm nhạc và phụng vụ thế nào đi nữa. Không gì và không ai có thể ngăn chúng ta khỏi ở lại trước sự hiện diện của Chúa Ki-tô để đón nhận Người và dâng hiến chính mình cho Người. Còn tin dữ cho chúng ta là nếu không hưởng được ơn ích gì từ thánh lễ, chúng ta nên trách kỷ, chứ đừng trách nhân.

@Matthias: (ST) Cần phải sống cái thinh lặng, bởi vì đó là con đường đi vào chính bản thân mình để biết mình.
Như vậy, thinh lặng còn là chết đi cái tôi, là chối từ sở hữu chính bản thân để cho Lời Chúa được thay thế và cất tiếng lên từ trong sâu thẳm của tâm hồn mình. Tình yêu làm nên sự thinh lặng, và chỉ trong sự thinh lặng người ta mới nếm hưởng trọn vẹn hương vị của tình yêu nồng thắm lan tỏa từ chính người mình yêu, để từ đó ta mới có thể ngụp lặn trong mối tình nồng ấm và thẳm sâu của Thiên Chúa.
Thinh lặng : môi trường gặp gỡ, thông hiệp và biến đổi.
Không một vĩ nhân nào đã thành công mà không đắm mình trong tĩnh lặng để hồi tâm và cầu nguyện”. Mỗi người có thể xây dựng cho mình một cõi riêng tư của sự thinh lặng, là nơi hò hẹn hằng ngày để có thể gặp được Chúa. Tĩnh tâm là bước vào cõi riêng tư, là đi vào cõi thinh lặng để gặp gỡ và lắng nghe tiếng Chúa. Vì Thiên Chúa là bản nhạc thầm lặng nói theo Gioan Thánh Giá, là một bản nhạc luôn mới mẻ do sự cấu tạo hòa âm lạ lùng của Ngài ở trong tâm hồn ta mà chỉ nghe được trong sự thinh lặng. Thiên Chúa là sự hiện diện ở bên kia mọi lời nói. Chính sự thinh lặng là môi trường đưa ta vào sự thông hiệp, mang đến ánh sáng, bình an và niềm vui từ một con tim đến một con tim, là sự giao lưu tuyệt vời mà Thiên Chúa muốn thiết lập với ta. Đó là một lời mời đi vào sự khám phá ra tình yêu bí ẩn đang ẩn náu thâm sâu trong cõi lòng của mỗi con người. Thinh lặng không ngăn cản sự trung gian của ngôn ngữ và văn hóa, nhưng nó thiết lập khoảng không gian, trong đó những trung gian kia tan biến đi trước cõi vô biên, để một thế giới mới được mở ra cho sự gặp gỡ và thông hiệp, đó là thế giới của Thiên Chúa. Sẽ không có tình yêu gặp gỡ và thông hiệp nếu tôi không tạo ra khoảng không gian để cho mầu nhiệm của bản thân, của tha nhân và của Thiên Chúa được diễn ra trong thinh lặng.
Trong sự thinh lặng, con người đang trong tình trạng tiến hóa, trở thành,biến đổi, bởi vì nó chỉ còn là một cái nhìn hướng về Thiên Chúa và được hòa nhập trong sự sống của Ngài. Và lúc này lời có thể phát sinh, bởi vì người ta chỉ có thể nói về Thiên Chúa từ trong thinh lặng, và rồi cũng dẫn đến thinh lặng. Bởi vì Sự Thật về Thiên Chúa chỉ có thể được nói lên và chỉ có thể được nắm bắt trong ánh sáng của ngọn lửa tình yêu, ở đó mọi lời nói được thiêu đốt tiêu tan trong thinh lặng.
Sống đức tin là một cuộc hành trình đi vào chương trình của Thiên Chúa. Qui luật tối thượng của cuộc hành trình đó chính là thinh lặng : thinh lặng khỏi những bon chen tranh giành của cuộc sống; thinh lặng khỏi những đam mê sôi sục và những toan tính vị kỷ; thinh lặng để không ngừng lắng nghe tiếng Chúa trong từng giây phút; thinh lặng để không ngừng đi vào lẽ khôn ngoan và hành động của Thiên Chúa; thinh lặng để nhận ra từng bước Chúa đi qua trong cuộc đời mình; thinh lặng để làm một với Ngài trong tâm tư, ý nghĩ và ước muốn cũng như trong tình yêu. Chính trong thinh lặng mà ta được sống với Chúa, được kề cận và ở lại bên Ngài trong mọi ngày của cuộc đời mình.

@Matthias:(ST)

Cứ vào mùa chay, cảm xúc về con người và cuộc đời lại chạy trên từng trang viết. Đề tài nói đến cuộc trở về có lẽ không ít, thế nhưng xem ra số lượng và chất lượng của nó cũng chỉ như cát dưới biển. Hình như người ta chỉ trở về khi đã mất tất cả, khi không còn gì để nắm giữ. Nhân loại thật khó khăn khi phải sống siêu thoát. Câu chuyện người thanh niên giàu có chứng minh khía cạnh ấy cách xác thực. Nhân loại dễ dàng chu toàn lề luật Thiên Chúa nhưng khó chia sớt của cải cho người. Đồng tiền liền khúc ruột, không dễ chút nào đâu!
Thêm nữa, con chim gần giờ tử mới biết hót tiếng hay, người sắp từ trần mới biết nói lời hay lẽ phải. Hành trình đời con người trải qua rất nhiều biến chuyển theo từng giai đoạn. Khi còn trẻ, tuổi còn xuân, đời còn đẹp, mấy ai nghĩ đến hậu vận? Cậy dựa vào sức khỏe, bạc tiền, địa vị, sự nghiệp…con người bỏ qua mọi lãnh vực cản trở sự hưởng thụ của họ. Cho đến lúc, mọi thứ dường như vô giá trị trước sự thật phải tay trắng ra đi theo cái chết, nhân loại mới biết hồi tâm, thống hối, thì đã muộn. Thế nhưng, đối với Thiên Chúa không bao giờ là muộn, điều quan trọng là con người có nhận biết chân giá trị của cuộc sống? Mùa chay về, ai ai cũng tỏ vẻ thống hối, khoác lên mình những tấm áo ăn năn, ý thức sự hy sinh cao cả của Thiên Chúa đã chết cho mình, nhưng rồi mùa chay qua đi, cuộc sống trở về với vòng quay tuần hoàn của nó, nhân loại lại lao vào con đường hưởng thụ, tranh chấp…mãi không ngừng.
Có thể nói, thế giới đương đại là một thế giới phô trương, khoe mẽ. Phong trào tỏ mình ra ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt. Hết công ty này đến phái đoàn tổ chức khác hiển danh thế giới vì đã tìm mọi cách mua cho bằng được tấm áo hào phóng. Thật ra điều ấy tốt chứ, đáng ca ngợi, nhưng mặt trái của nó là một loại phô trương tế nhị, như một cú đòn tâm lý đánh động vào xu hướng chuộng danh vọng của con người. Nhân loại ngày nay quên đi cái thế giới tâm linh thật rồi, người ta làm phúc không phải chỉ để được phúc mà nguy hiểm hơn chính là để được danh, được tiếng. Người càng giàu, danh càng lớn, địa vị càng cao, thế giới càng tôn vinh, người người càng ca tụng. Chỉ có kẻ nghèo suốt đời …có mỗi Thiên Chúa ghi tên!
Thật ra không phải thời đại này mới có, mà từ thuở đầu tạo dựng con người đã hướng chiều về điều xấu, phản bội Thiên Chúa và Ngài đã chẳng hề chấp tội, hằng thứ tha. Mặt khác, Ngài ra sức kêu gọi nhân loại thiết lập thế giới tâm hồn, một chiều sâu tâm linh mà chẳng thấy được đón nhận. Chiều sâu ấy là gì? Chính là một tâm hồn kính sợ Thiên Chúa, trên nền tảng khiêm nhường, yêu mến. Bất kỳ ai yêu mến Thiên Chúa thật, đều có một đức khiêm nhường sâu thẳm không gì phá vỡ. Ở đó, họ là có thể làm phúc tay trái mà không cho tay phải biết, họ có thể liên lỉ nguyện cầu lặng lẽ mà chẳng ai biết họ đang nguyện cầu, tâm hồn họ lúc nào cũng ý thức chay tịnh mà chẳng ai biết chay lòng họ cưu mang. Đó là những con người của Thiên Chúa, đó mới đích thực là người Thiên Chúa muốn.
Giáo hội mời gọi con cái xé tâm hồn để trở về với Thiên Chúa. Tất cả những gì ngoài thế giới tâm linh đều là thứ vật chất mau qua, thứ vật chất ấy quan trọng thật, cần thiết thật nhưng không phải là cứu cánh. Nó không có giá trị cứu rỗi. Phải sống làm sao đừng để nô lệ cho danh vọng, bạc tiền mà hãy nô lệ Thiên Chúa. Tiền của, sự nghiệp không làm nên linh hồn. Linh hồn con người là Thiên Chúa, nơi ấy Thiên Chúa phải được sống và hiện diện.
Có không biết bao nhiêu cuộc trở về trong nhân loại, những cuộc trở về đẫm nước mắt bi thương, nhưng vẫn còn đó, hiển hiện khắp nơi những cuộc trở về vô nghĩa, rỗng tuếch. Phải làm sao, phải làm thế nào để nhân loại biết sống và biết quay trở về, dẫu có phải mất mát hay bỏ mình đi cũng có gì đâu mà quan trọng. Thiên Chúa không quan trọng hơn tất cả đó hay sao. Thảm kịch cũng chỉ vì chọn sai, chọn chệch hướng, hãy chọn làm người có Chúa… để thế giới được yêu thương.
Sinh ra từ hạt bụi nay còn mai mất và rồi cũng sẽ trở về bụi, thế nhưng nhân loại làm như thể mình sẽ sống mãi không bao giờ chết vậy. Tưởng như giàu có sẽ nuôi họ suốt đời không bao giờ hết. Người ta đua nhau làm việc thiện để được ghi danh trên bảng vàng mà quên ghi tên mình ở lòng người… có phải thế không?!
Lạy Chúa, từ khi ý thức mình là bụi, con vừa buồn, vừa sợ nhưng cũng vừa mừng vui. Không ít lần con xin Chúa cho con được trở về bụi, không phải để trốn tránh mà đúng hơn muốn sớm trở về sự thật đời mình. Bản thân là bụi, rồi cũng sẽ trở về bụi đất thôi. Bao lâu chưa là bụi, bấy lâu con còn băn khoăn, thao thức, mong mỏi. Về với lòng đất mẹ hiền hòa mà hạnh phúc lắm, ở đó không còn nước mắt khổ đau, tranh giành, ganh ghét. Được tan ra thành trăm ngàn hạt bụi, dấu chân người có thể đặt lên cũng là một nghĩa cử đẹp chứ. Chỉ cần con ý thức, hạt bụi mà chính Chúa gieo vào đời ấy, không phải nó được sinh ra, lớn lên rồi mất đi cách vô ích nhưng là để ghi dấu lòng người, nơi từng mảnh đất có bước chân qua. Không biết hạt bụi đời con vương xuống cõi đời ô trọc này đã tan hòa đến đâu hay còn đọng lại? Con vẫn xin Ngài thương giúp con biết sống một ngày cuối cùng để sống, một khi có phải ở tận lòng đất, không người biết đến, con cũng sẽ thôi không còn khóc nữa. Thật, con sẽ không còn khóc nữa đâu, mà chỉ còn tiếng nói tha thứ, yêu thương…

24 comments on “Đức Tin Công Giáo

  1. ĐIỆN THỌAI &….KINH THÁNH

    Xin gửi chút lượm lặt dưới đây đến các bạn, đặc biệt bạn nào thích nghiên cứu Kinh Thánh.

    CÁC SỐ ĐIỆN THOẠI KHẨN CẤP

    Hôn Nhân và Gia Đình

  2. @Matthias: (ST) Cần phải sống cái thinh lặng, bởi vì đó là con đường đi vào chính bản thân mình để biết mình.
    Như vậy, thinh lặng còn là chết đi cái tôi, là chối từ sở hữu chính bản thân để cho Lời Chúa được thay thế và cất tiếng lên từ trong sâu thẳm của tâm hồn mình.

  3. Ngày xưa Chúa chữa lành các bệnh tật cho nhiều đã kêu cầu, tin tưởng đến cùng Chúa và với nhiều người với niềm tin mãnh liệt

Gửi phản hồi cho Ẩn danh Hủy trả lời